top of page

Coach Talk: Triển vọng và con đường ngắn nhất để trở thành coach nội bộ và coach chuyên nghiệp

Đã cập nhật: 23 thg 5, 2022

Ngày 28/4/2022, buổi Coach Talk về chủ đề “Triển vọng và con đường ngắn nhất để trở thành coach nội bộ và coach chuyên nghiệp” do Coach For Life tổ chức đã diễn ra trong không khí vô cùng sôi nổi, mang đến rất nhiều thông tin và câu chuyện thú vị cho những ai chưa và đang trong quá trình tìm hiểu và đặt chân vào nghề coaching (khai vấn).


Triển vọng và xu hướng của nghề coach ở châu Á - Thái Bình Dương


8 xu hướng đang nổi lên ở khu vực châu Á Thái Bình Dương theo một khảo sát (*) năm 2020 của hiệp hội các coach được công nhận tại khu vực châu Á Thái Bình Dương được chia sẻ trong sự kiện:


1. Một số ngành nghề có xu hướng tiếp cận coaching nhiều hơn đó là Start-up, doanh nghiệp tư nhân, NGO, và các tổ chức về đào tạo. Tỉ lệ các công ty muốn đưa coaching vào tổ chức là 98%. Một số ngách mới mẻ xuất hiện ngoài business coach và life coach, như là spiritual coach, cross-culture coach, maternity coach... Nhu cầu về đào tạo kỹ năng coaching cho quản lý ngày càng tăng cao, trung bình cứ 1 trong 5 công ty được phỏng vấn nói rằng họ cung cấp đào tạo về kỹ năng coaching cho tất cả các tầng lớp quản lý. Khảo sát của Coach For Life năm 2021 cũng cho thấy 60% các công ty tham gia mong muốn đào tạo kỹ năng coaching cho quản lý của họ. Và điểm đáng chú ý nữa là nhu cầu sử dụng coach nói tiếng địa phương tăng cao ở cả nội bộ và bên ngoài. Điều này mang lại rất nhiều cơ hội cho các coach địa phương.


2. Phần lớn các công ty sử dụng cả coach nội bộ và coach bên ngoài. Mối quan tâm chung của các doanh nghiệp khi sử dụng coach nội bộ là tính khách quan, tin tưởng và bảo mật khi sử dụng coach nội bộ. Tỉ lệ có chứng chỉ đào tạo của các tổ chức quốc tế là cao với cả 2 nhóm coach nội bộ (84%) và coach bên ngoài (63%).


3. Mặc dù gần 50% công ty tham gia cho biết họ muốn xây dựng vị trí coach nội bộ nhưng khá lúng túng trong việc mô tả cụ thể công việc, chế độ, cách đảm bảo chất lượng và đánh giá hiệu quả. Các coach hãy đóng vai trò chủ động, đề xuất, gợi ý cho công ty, vì công việc này hiện còn khá mới mẻ.


4. Cả coach nội bộ và coach bên ngoài đều dành thời gian để phát triển chuyên môn của mình thông qua các chương trình đào tạo, kèm cặp và giám sát, với trung bình là 60 giờ/năm, số lượng coach bên ngoài đầu tư cho phát triển chuyên môn nhiều gấp đôi số lượng coach nội bộ.


5. Một điều thú vị là do ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa ở khu vực châu Á, có yếu tố chia sẻ, dẫn dắt, kèm cặp chia sẻ kinh nghiệm và giải quyết vấn đề trong coaching bên cạnh việc thúc đẩy quá trình tự phát triển của coachee.


6. Theo báo cáo này, có 84% người nhận thấy ảnh hưởng từ coaching mang lại. Khảo sát của CFL cũng thể hiện con số 77% coachee hài lòng với kết quả coaching mang lại. Tuy nhiên, các công ty sử dụng coaching ngày càng mong muốn có sự rõ ràng hơn về 3 điểm: coaching là gì, mục tiêu coaching và cách thức đánh giá cuối chương trình coaching. 3 điểm này cũng là gợi ý khi chúng ta làm coach nội bộ hay coach bên ngoài.


7. Điều đặc biệt nữa là nghề coaching hiện tại và trong tương lai gần vẫn chưa thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo như một số ngành nghề khác.


8. Nhu cầu của các công ty về coaching với tất cả các loai hình dịch vụ từ coach 1-1, coach đội nhóm, đao tạo kỹ năng về coaching đều tăng, thể hiện qua việc 61% công ty cho biết mong muốn xây nguồn lực coach nội bộ, 31% công ty tăng ngân sách cho coaching, 80% cty muốn đào tạo kỹ năng này cho các quản lý.


Đây là những thông tin thú vị và cũng là những gợi ý cho bạn nếu như bạn muốn phát triển nghề coach nội bộ trong doanh nghiệp hay ra ngoài làm coach độc lập.


Lộ trình trở thành nội bộ và coach chuyên nghiệp


Theo ICF - Liên đoàn Khai vấn Quốc tế


ICF là một trong những tổ chức uy tín trong lĩnh vực coaching. Việc sở hữu chứng chỉ chính thức của ICF luôn là mục tiêu phấn đấu của các Coach, đồng thời cũng là ưu tiên của khách hàng khi lựa chọn dịch vụ coaching. Các chứng chỉ của ICF bao gồm:

  • Associate Certfied Coach (ACC): yêu cầu hơn 60 giờ đào tạo bởi các chương trình đáp ứng tiêu chuẩn của ICF, cộng với 10 giờ được mentor và kinh nghiệm coach hơn 100 giờ. Hoàn thành bài thi Coach Knowledge Assessment (CKA) với kết quả trên 70%.

  • Professional Certfied Coach (PCC): yêu cầu hơn 125 giờ đào tạo bởi các chương trình đáp ứng tiêu chuẩn của ICF, cộng với 10 giờ được mentor và kinh nghiệm coach trên 500 giờ. Hoàn thành bài thi Coach Knowledge Assessment (CKA) với kết quả trên 70%.

  • Master Certfied Coach (MCC): yêu cầu hơn 200 giờ đào tạo bởi các chương trình đáp ứng tiêu chuẩn của ICF , cộng với 10 giờ được mentor và kinh nghiệm coach trên 2500 giờ. Hoàn thành bài thi Coach Knowledge Assessment (CKA) với kết quả trên 70%.



Câu chuyện từ các coach

Coach Minh Hạnh chia sẻ, giữa năm 2019, nhận được “order” của doanh nghiệp là đi tìm Excecutive Coach, chị rất bỡ ngỡ và lạ lẫm với việc này, trước khi tìm thấy Coach For Life. Sau đó, chị cũng đăng ký học khóa Khai Vấn dành cho Lãnh đạo & Coach Chuyên Nghiệp của Coach For Life. Vừa học vừa làm, lại được tổ chức tin tưởng, chị đã mang coaching vào tổ chức của mình từng chút một. Sau đó, chị “nhón chân” làm coach bên ngoài nữa, và cho đến bây giờ chị đang làm song song cả hai việc coach nội bộ và coach bên ngoài. Theo Coach Minh Hạnh, điểm khách nhau giữa 2 việc này:

  • Thứ nhất là, “WHY – Tại sao”. Với coach nội bộ thì câu hỏi đó là WHY COACHING (tại sao lại là coach nội bộ, nó sẽ giúp gì cho doanh nghiệp) và WHY NOW (tại sao phải là bây giờ). Với coach bên ngoài, câu hỏi là WHY ME (Tại sao bạn nên tin tưởng tôi và để tôi đồng hành với bạn).

  • Thứ hai là “WHO - Bạn đi với ai”. Coach bên ngoài có thể đi độc lập. Nhưng với coach nội bộ, bạn không thể đi một mình mà cần phải biết ai sẽ ủng hộ bạn, ai sẽ đi cùng bạn trong việc lan tỏa và bạn sẽ dẫn dắt mọi người đi như thế nào.


Câu chuyện của coach Văn Hằng cũng thú vị không kém. Bắt đầu từ mong mỏi có người đồng hành để vượt qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống, tháng 3/2021, chị tình cờ biết đến CFL và đăng ký 1 phiên coach trải nghiệm. Từ đó, chị thấy coaching vô cùng ý nghĩa, giúp chị chuyển hóa, sống trọn vẹn với những giá trị của bản thân và mong muốn sử dụng năng lực, kinh nghiệm của mình để hỗ trợ người khác phát triển bản thân. Thế nên chị quyết định tham gia 2 khóa học của Coach For Life là Khai Vấn dành cho Lãnh đạo & Coach Chuyên NghiệpMentor and Supervision Coach, và bắt đầu hành trình lan tỏa của mình.


Theo coach Văn Hằng, trở thành coach không quá khó, nhưng trở thành coach chuyên nghiệp lại là 1 câu chuyện khác. Bạn cần được chứng thực năng lực bởi ICF để thể hiện sự chuyên nghiệp của mình, qua các chứng chỉ như ACC, PCC. Chị chia sẻ 2 mục tiêu của bản thân là : Học hỏi để trở thành coach chuyên nghiệp (bằng cách tham gia các khóa học về kỹ năng coaching) và học hỏi để làm nghề coach chuyên nghiệp (bằng cách nỗ lực thực hành và phát triển sản phẩm). Chị cũng thể hiện sự biết ơn và may mắn khi được kèm cặp bởi 2 coach Quách Hương và Quách Hiền, để rồi giờ đây được đứng vào hàng ngũ những người coach để giúp đỡ mọi người.



Coach Dương Trần lại có một câu chuyện rất khác. Làm công việc nhân sự và mong muốn tìm cách làm thế nào để có thể kết nối với những quản lý ở cấp cao hơn mình, có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu, hơn mình, và lại còn mang lại được giá trị cho họ. Thế là, chị tìm đến coaching, và mang coaching về Vietin Bank năm 2019. Kết quả chị gặt hái được rất đáng ngưỡng mộ. Các quản lý cấp cao đã chia sẻ rất nhiều những trăn trở, kế hoạch của họ và cảm kích đội ngũ coach nội bộ khi họ có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề. Một “tác dụng phụ” của hành trình này là đội ngũ coach nội bộ team gắn kết với nhau hơn khi coach chéo và chia sẻ cho nhau những vấn đề “thầm kín”. Kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi cũng được cải thiện rất nhiều, ứng dụng trong cả công việc lẫn cuộc sống gia đình.


Sau một thời gian, coach Dương Trần đã thử đem coach ching ra bên ngoài và nhận thấy có nhiều thứ thú vị hơn. Chị tham gia lại thật bài bản 2 khoác học Khai Vấn dành cho Lãnh đạo & Coach Chuyên NghiệpMentor and Supervision Coach, thi lấy chứng chỉ ICF. Đặc biệt, trong khóa học Mentor and Supervision Coach, ngoài sự đồng hành của 2 coach Quách Hương và Quách Hiền, chị còn học hỏi rất nhiều từ các coach khác cùng khóa. Chị xúc động khi chia sẻ rằng, sau khóa học và đến tận bây giờ, chị và các bạn cùng khóa vẫn liên lạc và chia sẻ với nhau nhiều điều ý nghĩa.



Coach Quách Hương, trong vai trò đi trước và kèm cặp các coach khác, chia sẻ rằng, ban đầu chị không dự định mở doanh nghiệp mà chỉ làm độc lập. Sau đó, vừa quan tâm đến mindfulness, vừa thích coaching, chị đã kết hợp cả hai lại, cho ra “Khai vấn lãnh đạo tỉnh thức” – Slogan của Coach For Life bây giờ. Điều mà chị nhận ra từ đó là: “Hãy cởi mở với những thứ chưa rõ ràng, đón nhận những cơ hội và bắt đầu với chúng.


Chị cũng chia sẻ thêm, nếu bạn đam mê và có khả năng ngôn ngữ, thậm chí có những tổ chức quốc tế tiếp cận chúng ta để làm việc cho khách hàng trong nước, hãy cập nhật profile của mình trên LinkedIn để các công ty nước ngoài lẫn trong nước có thể tìm đến bạn.


Công thức thành công chia sẻ từ các khách mời


3 bài học được đúc kết từ Coach Văn Hằng


1. Phải tự định vị bản thân. Dù bạn là ai làm công việc gì, có kinh nghiệm gì, bạn phải xác định là coaching là kỹ năng, là phong cách sống. Xác định mình có giá trị gì để trao cho người khác. Khi bạn đã sáng tỏ được điều này, bạn sẽ có động lực để đi đường dài.

2. Học hỏi và thực hành liên tục để biến tất cả các kiến thức đã được học thành trải nghiệm của bản thân. Cách bắt đầu tốt nhất với mình đó là kết hợp những thế mạnh, những kinh nghiệm sẵn có với những kỹ năng và công cụ coaching để tạo ra sản phẩm và dịch vụ khác biệt.

3. Để theo đuổi nghề coach chuyên nghiệp thì có kỹ năng khai vấn thôi là chưa đủ, mà còn cần phải trau dồi, học hỏi cách xây dựng thương hiệu, truyền thông, phát triển sản phẩm, marketing…


Có vô vàn những khám phá thú vị trên hành trình này, các bạn cứ tận hưởng nó đi.


3 bí quyết của những bước chân hân hoan – Coach Minh Hạnh


1. Bền bỉ, học sâu và làm thật. Con đường của chúng ta đi có thể sẽ không dễ dàng và bằng phẳng, nhưng khi học sâu và làm thật, mọi trải nghiệm sẽ giúp chúng ta learn và grow

2. Đi từng bước nhỏ, phù hợp với mình, và đừng so sánh mình với bất cứ ai bởi vì mỗi người sẽ có những thế mạnh riêng và con đường riêng.

3. Tìm người đồng hành để đi cùng với mình. Với những việc không phải là coaching, như là marketing, xây dựng thương hiệu hoặc những kỹ năng khác mà chúng ta không quen làm, tìm người đồng hành. Bạn sẽ gặp gỡ những nhân duyên mà bạn sẽ không ngờ được nó thú vị như thế nào.


3 “keywords” về hành trình coaching – Coach Dương Trần


1. Tin tưởng về lựa chọn của mình. Bằng cách xác định lý do vì sao mình chọn nghề coach (bạn có thể đăng ký một phiên trải nghiệm để tìm hiểu coach là gì), để thực sự nghiêm túc và cam kết với lựa chọn đó.

2. Coaching là quá trình rèn luyện rất dài và liên tục chứ không phải một sớm một chiều.

3. Yêu thương. Yêu thương bản thân, chấp nhận điểm mạnh, điểm yếu của mình. Tập trung vào thế mạnh để phát huy. Bên cạnh đó là Yêu thương coachee, giúp họ 1 cách tốt nhất có thể. Chị cho biết, nếu buổi sáng mà có phiên coach, chị sẽ cảm thấy như được truyền năng lượng đầu ngày. "Coachee nào đến với mình cũng như một nhân duyên, và mình học được từ họ rất nhiều."

Chia sẻ kinh nghiệm từ Coach Quách Hương


1. Coach, coach và coach. Không gì có thể thay thế được việc chúng ta thực hành, đừng bỏ qua bước này khi làm coach.

2. Lựa chọn lĩnh vực đam mê. Sau giai đoạn trải nghiệm, đó là lúc chúng ta quyết định thu hẹp lại và lựa chọn lĩnh vực mình cảm thấy đem lại cảm hứng và đam mê cho mình, hỏi chính bên trong mình, đừng chạy theo xu hướng, theo thị trường. Có như vậy, khi khó khăn đến với mình, mình có đủ động lực để vượt qua và bước tiếp.

3. Liên tục học hỏi. Học hỏi là 1 phần công việc của chúng ta.

4. Cân bằng năng lực và nội lực. Năng lực được trau dồi bằng cách học và thực hành như đề cập ở trên. Nội lực cần được nâng cao bằng một hình thức tùy chọn của mỗi người, chẳng hạn như thiền, tỉnh thức… để kết nối với bản thân, có sự hiện diện và tĩnh lặng khi làm nghề.


Sau tất cả, tình yêu, sự tin tưởng và sự cam kết đã giúp các coach đi xa trên hành trình làm nghề của mình.


Rất nhiều câu hỏi, nỗi niềm, trăn trở của người tham dự được các coach giải đáp trong sự kiện. Bạn có thể xem lại toàn bộ sự kiện tại đây.

bottom of page