Trong Khoá học Đào tạo Khai vấn dành cho Lãnh đạo và Coach chuyên nghiệp, một trong những mục tiêu lớn nhất mà CFL đặt ra là giúp các quản lý lãnh đạo phát triển, xây dựng được kỹ năng coach chuyên nghiệp, sử dụng coach như một công cụ hằng ngày để tối ưu hoá hiệu quả quản lý.
Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Điệp - CEO của VNP Group, học viên K10 Khoá học Đào tạo Khai vấn dành cho Lãnh đạo và Coach chuyên nghiệp.
Xin chào anh Điệp, sau khóa học khai vấn 60h, anh đã đang ứng dụng coaching vào công việc của mình như thế nào?
Thực ra, tôi đã biết và ứng dụng coaching vào công việc từ khá lâu, khoảng 3 năm nay. Trong các cuộc họp, tôi vẫn thường chủ động dẫn dắt bằng các câu hỏi chứ không sử dụng mệnh lệnh hoặc chỉ dẫn ngay lập tức. Sau khi học bài bản trong Khoá 60h, tôi sử dụng kỹ năng coach một cách tự tin hơn, có sự hệ thống hoá rõ ràng và biết cách đặt câu hỏi một cách logic, thay vì chỉ làm theo bản năng như trước.
Nhờ đó, những cuộc trò chuyện mang tính coaching cũng diễn ra tự nhiên, tôi không còn mong muốn dẫn dắt họ theo một định hướng nào đó, mà đặt sự tập trung vào hành trình của riêng từng người.
Anh ứng dụng coaching vào những khía cạnh nào của cuộc sống?
Tôi sử dụng coaching mọi lúc mọi nơi, với mọi đối tượng. Tất cả những người tôi gặp: từ nhà đầu tư, khách hàng, đối tác, nhân viên,... tôi đều áp dụng coaching để dẫn dắt câu chuyện. Tôi cho rằng, việc sử dụng coaching nên được coi như một lifestyle – một lối sống, một phong cách giao tiếp nhẹ nhàng, tôn trọng, giúp họ tự khám phá những mục tiêu của chính mình.
Khi tư duy như vậy, tôi nhận ra rằng mọi cuộc giao tiếp đều trở nên vô cùng thú vị, bởi người đối diện luôn có cảm giác làm chủ, được là chính mình. Nói chuyện với mình xong họ cảm thấy được lắng nghe, được thấu hiểu, có mục tiêu rõ ràng. Nếu như chỉ áp đặt một chiều theo phong cách lãnh đạo truyền thống, họ sẽ dễ cảm thấy bản thân đang bị dẫn dắt, sai khiến.
Trong gia đình cũng vậy, nói chuyện với mẹ tôi cũng dùng coaching. “Điều mẹ muốn là gì?; “Vấn đề đến từ bên ngoài hay đến từ bên trong mẹ?; “Mẹ cần con hỗ trợ như thế nào?”... Các cuộc trò chuyện đều trở nên hiệu quả và có mục đích rõ ràng. Mình giúp họ tự nói ra những tâm tư nguyện vọng của họ. Mình tìm cách đưa câu chuyện theo hướng tìm kiếm giải pháp mà hai bên đều cảm thấy vui vẻ thoải mái.
Theo anh, việc quản lý lãnh đạo có kỹ năng coach quan trọng như thế nào?
Bản chất lãnh đạo phải là một người coach, một người biết cách sử dụng câu hỏi để dẵn dắt nhân viên, chứ không phải dùng mệnh lệnh hay quyền lực. Khi lãnh đạo giúp nhân sự của mình hiểu được vấn đề và xác định rõ ràng mục tiêu, họ sẽ tự đưa ra cách giải quyết, tự xây dựng quy trình, tự lập kế hoạch… Họ cảm thấy thoải mái hơn, làm chủ hơn, thực hiện công việc một cách ý nghĩa hơn. Khi lãnh đạo áp đặt một chiều theo tư duy của mình, tôi thấy có khi nhân viên chỉ làm với 20 - 30% sức lực. Nhưng khi nhân viên thấy rằng ý tưởng của họ được công nhận và trân trọng, họ sẽ chiến đấu bằng 200% sức lực trong trạng thái năng lượng tốt.
Khi làm được điều này, lãnh đạo chắc chắn sẽ nhàn và nhẹ đầu hơn rất nhiều. Như tôi hiện giờ, nhân viên sẽ tự đề xuất hết, từ mục tiêu, giải pháp, nguồn kinh phí, nhân sự… Thậm chí với những nhân sự đã tin tưởng, tôi chỉ cần cấp kinh phí cho họ, còn lại họ toàn quyền chủ động. Đương nhiên, việc này cũng cần đi kèm với chuyện bạn phải chọn được đúng người ngay từ đầu. Sau đó, việc của bạn chỉ là đồng hành, cho họ những nguồn lực cần thiết để cả hai cùng đạt được mục tiêu.
Sau một thời gian dài ứng dụng coaching trong công việc và cuộc sống, một bài học kinh nghiệm mà anh muốn chia sẻ với những người mới bắt đầu?
Học coach y chang như học ngoại ngữ vậy, cần được thực hành liên tục thì mới tiến bộ và câu chuyện mới có thể diễn ra tự nhiên. Khoá học 60h có thể cung cấp kiến thức công cụ, nhưng phải thực hành thật nhiều thì coaching mới đi vào từng hành vi, từng “ngõ ngách” trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không, nhiều lãnh đạo coach sẽ bị gồng, cứng nhắc. Tôi không bao giờ tư duy là tôi phải thực hiện những phiên coach theo chuẩn quốc tế hay chuẩn quy trình nào cả. Tôi đề cao sự tự nhiên, uyển chuyển, lúc nào cũng tỉnh thức để điều tiết cuộc trò chuyện theo hướng phù hợp nhất.
Từng lắng nghe cả trăm nghìn câu chuyện trong nhiều năm khởi nghiệp, tôi cũng dần ngộ ra cách thấu cảm với người khác, học được cách lắng nghe tận tâm không phán xét, và hạn chế đưa ra lời khuyên ít nhất có thể. Mình sẽ hoà cùng họ, hiện diện để lắng nghe những tâm tư của họ, sau đó là đồng cảm và giúp họ đi đến giải pháp. Đây là một quá trình dài hơi, phải thực hành nhiều, chịu nhiều va đập thì sẽ tự vỡ ra được nhiều bài học cho bản thân.
Cảm ơn những chia sẻ của anh Điệp!
Comments