Thế giới hiện đại và nhịp thay đổi từng giờ luôn khiến con người có cảm giác phải tăng tốc và làm nhiều hơn nữa. Điều này càng đúng hơn với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp - những người vốn gánh trên vai rất nhiều trách nghiệm và áp lực.
Bà Quách Hương, đồng sáng lập Coach For Life (CFL) cho biết, phần lớn nhà lãnh đạo và quản lý mà bà từng tiếp xúc luôn ở trong trạng thái “chạy đua”. Họ luôn cố gắng hoàn thành nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn, cảm thấy lo lắng khi mọi chuyện không được giải quyết nhanh chóng. Thậm chí ngay cả khi nghỉ ngơi, họ cũng cảm thấy bứt rứt, thậm chí là tội lỗi vì đang lãng phí thời gian làm việc. Nhiều người lo sợ chậm lại đồng nghĩa với việc thụt lùi, thất bại.
Có hơn 20 năm kinh nghiệm làm quản lý cấp cao ở các tổ chức quốc tế, bà Hương hiểu rằng áp lực công việc rất dễ đánh lừa tâm trí con người, khiến bản thân họ tin rằng cần “cố gắng” hơn nữa, làm thêm giờ nhiều hơn nữa, thúc đẩy nhân viên nhiều hơn nữa.
“Trong trạng thái căng thẳng và rối bời đó, liệu những quyết định của mình có sáng suốt không, liệu mình có đang thực sự tăng tốc hay chỉ “chạy lòng vòng” để cảm thấy yên tâm vì mình bận rộn”, bà Hương đặt vấn đề.
Theo nghiên cứu của McKinsey & Company, khi các quản lý chậm lại, họ có khả năng đào sâu vấn đề và đạt được mục tiêu đề ra nhanh hơn. Họ giải quyết được các tình huống phức tạp với ít thời gian và công sức hơn.
Khảo sát của Harvard Business Review với 343 công ty cũng chỉ ra, những công ty chỉ luôn “tăng tốc”, “làm, làm và làm” sẽ có doanh thu và lợi nhuận thấp hơn những công ty dám chậm lại ở những thời điểm quan trọng, suy xét kỹ lưỡng trước khi tiến hành các hành động tiếp theo.
Theo bà Hương, khi áp dụng mô hình lãnh đạo tỉnh thức, những người “đứng đầu sóng ngọn gió” sẽ có thể cho phép bản thân được chậm lại, cơ thể và tâm trí được thả lỏng, nhờ đó, họ có thể làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn. Lãnh đạo tỉnh thức (mindful leadership) trong bối cảnh đó trở thành một công cụ hữu hiệu cho các nhà lãnh đạo.
Chia sẻ trong sự kiện "Mindful Leadership: Focus for Performance" do CFL tổ chức , Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo toàn cầu Joshua S. Ehrlich nhận định, tỉnh thức là công cụ giúp các nhà lãnh đạo lắng nghe hiệu quả hơn, tạo ra khả năng kiên cường, chống chịu tốt hơn trong hoàn cảnh cuộc sống có quá nhiều sự căng thẳng như hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh thức yêu cầu sự hiện diện, mở lòng và tham gia tích cực. Khi làm điều này, người lãnh đạo đang xây dựng một nhận thức sâu về bản thân. Nhận thức có thể được tưởng tượng như một nguồn sáng. Thay vì để nó bừng sáng ra xung quanh, “lãnh đạo tỉnh thức" giúp điều chỉnh tia sáng tập trung vào một điểm cụ thể mà nhà lãnh đạo muốn. Sau đó, họ có thể di chuyển ánh sáng trở lại vào bản thân và quan sát sự phản chiếu, từ đó, có những trải nghiệm và phát triển.
Dành lời khuyên cho các nhà lãnh đạo, ông Joshua cho rằng thay vì lo lắng cho công việc thì nên để đầu óc được thư giãn vào những khoảng thời gian mất kết nối, chẳng hạn như lúc nhìn vào màn hình TV hay điện thoại.
“Tập trung vào công việc và sau đó ta có nhiều thời gian cho bản thân. Rất nhiều người nói bận quá không có đủ thời gian. Thật ra, khi có suy nghĩ như vậy, đầu óc sẽ luôn căng thẳng. Nhiều người nói rằng, hãy cho tôi 5 phút để làm việc này việc kia nhưng thực chất họ có thể đắm chìm trong đó rất lâu”, ông Joshua nói.
Để có thể tập trung, vị chuyên gia cho rằng nên tập trung vào một hoặc một số ít kênh và chủ động chặn những thứ có thể gây sao nhãng cho công việc như thông báo và tin nhắn trong một khoảng thời gian nhất định. Những thứ quan trọng nhất cần được các nhà lãnh đạo ưu tiên tập trung.
“Mỗi người nên viết ra các đầu mục công việc theo thứ tự quan trọng để có thể kiểm soát công việc và quản lý thời gian tốt hơn”, ông Joshua dành lời khuyên cho các nhà lãnh đạo.
Đối với việc tập trung trong lắng nghe và tiếp nhận thông tin, ông lưu ý, cần có sự lắng nghe tỉnh thức với việc đón nhận thông điệp của người nói một cách sâu hơn, hiểu họ hơn, thay vì nghĩ về những dự đoán về đối phương cũng như cách đối đáp của bản thân. Đó cũng là những lưu ý quan trọng để các nhà lãnh đạo có thể tương tác với cộng sự và nhân sự cấp dưới một cách hiệu quả.
Để kiên cường trong mặt cảm xúc, vị tiến sĩ đến từ Hội đồng Lãnh đạo toàn cầu cho rằng cần nhân lên nhiều lần ý nghĩ tích cực và lược bỏ đi sự tiêu cực trong các vấn đề: “Nhà lãnh đạo nên đưa phản hồi tích cực nhiều hơn 5 lần khía cạnh tiêu cực”.
Ông cho rằng, tập trung vào những điều có thể tạo sự cải thiện sẽ giúp các nhà lãnh đạo tạo ra môi trường làm việc cần bằng và lành mạnh hơn.
Một lần nữa, điều quan trọng được ông Joshua nhấn mạnh là cần dành thời gian nhiều hơn cho bản thân để có thể phục hồi sau một quãng thời gian quá dài tạo nhiều áp lực cho bản thân với việc ngủ đủ, ăn đủ chất và dành đủ thời gian để thực sự thư giãn.
“Nhìn đời tích cực thông qua việc thực hành biết ơn nên được xem là một thói quen để có thể gia tăng hiệu suất trong công việc. Hãy tạo thói quen cời mở tích cực, đơn giản là dành thời gian cho riêng mình, như đi bộ. Hãy tập trung vào hơi thở, từng bước chân, tăng cường khả năng kết nối với bản thân trong từng khoảnh khắc”, ông Joshua nói.
Nguồn: TheLEADER
Comentarios