top of page

Coach Hermann Ditzig: “Thành công của executive coaching nằm ở sự chuyển hoá của người lãnh đạo"


“Tôi không tự tìm đến coaching, mà coaching đã tìm tới tôi một cách đầy bất ngờ. Đó là vào năm 1998, khi chỉ trong một tuần, có đến 3-4 quản lý lãnh đạo đến gặp tôi vào bảo rằng: “Hermann, tôi muốn bạn trở thành coach của tôi. Tập đoàn tôi yêu cầu tất cả các lãnh đạo đều cần có một người coach”. Tôi vô cùng ngạc nhiên và nhận ra rằng, coaching chắc chắn là một xu hướng nào đó đang bắt đầu phát triển ngoài kia”.

Đó là những chia sẻ của Coach Hermann Ditzig – ICF Professional Certified Coach (PCC), Leadership & Executive Coach, Cựu chủ tịch ICF Singapore. Ông đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với vai trò Coach cho Quản lý và Lãnh đạo cấp Điều hành (Executive/Leadership Coach). Ông từng coach cho nhiều quản lý lãnh đạo cấp cao của một số công ty Fortune 50 và Fortune 100.

Trong phần lớn sự nghiệp của mình, Coach Hermann làm các công việc liên quan đến việc phát triển kỹ năng lãnh đạo cho các quản lý lãnh đạo cấp cao. Đam mê trong lĩnh vực phát triển quản lý lãnh đạo của ông xuất phát từ việc ông tham gia vào các nghiên cứu và phát hiện ra rằng, mức độ hạnh phúc của nhân viên trong tổ chức bị tác động lớn bởi trải nghiệm với lãnh đạo của họ.

Sau 20 năm trải nghiệm trong lĩnh vực Leadership & Executive Coaching, Coach Hermann có những chia sẻ gì về công việc của mình, cũng như về xu hướng phát triển của thị trường này?

Để hiểu rõ hơn về vai trò và cách thức triển khai một chương trình Leadership & Executive Coach thành công trong doanh nghiệp, đăng ký tham gia sự kiện dưới đây!


Xin chào Coach Hermann Ditzig, ông có thể chia sẻ kỹ hơn về cơ duyên ông bắt đầu đến với executive coaching?

Tôi dành nhiều năm trong sự nghiệp để làm tư vấn và đào tạo kỹ năng lãnh đạo cho nhiều tập đoàn lớn như Unilever, Reuters,… Tôi cũng tiến hành nhiều nghiên cứu về khoa học tổ chức, về mối quan hệ giữa niềm hạnh phúc hài lòng của nhân viên với trải nghiệm của họ với người lãnh đạo. Đó vẫn là những điều tôi làm trong nhiều năm.

Bỗng nhiên một ngày vào năm 1998, một chủ tịch tập đoàn đến gặp tôi và bảo rằng “Hermann, tôi muốn bạn làm Coach của tôi. Tập đoàn tôi yêu cầu tất cả các lãnh đạo đều cần có một người Coach”. Tôi rất bất ngờ vì họ là một trong những khách hàng lớn nhất của tôi, tôi dành rất nhiều thời gian để tư vấn, hướng dẫn, đào tạo và trả lời bất cứ câu hỏi nào mà họ có. Vậy tại sao người chủ tịch lại muốn tôi coach cho ông ấy? Vài ngày sau đó, liên tiếp một vài lãnh đạo cấp cao khác đến tìm tôi và muốn tôi làm coach của họ. Tôi vô cùng ngạc nhiên và nhận ra rằng, coaching chắc chắn là một xu hướng nào đó đang bắt đầu phát triển ngoài kia. Đó cũng là thời điểm tôi chính thức tìm hiểu sâu sắc về coaching.

Thời điểm tôi mới bắt đầu tìm hiểu về coaching, thị trường vẫn hoàn toàn sơ khai. Không hề có những khái niệm rõ ràng như “executive coach”, “business coach” hay “life coach” như hiện tại. Phải một thời gian sau đó, coaching mới bắt đầu xâm nhập vào thế giới của doanh nghiệp và kể từ đó đến nay, coaching trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục phát triển mạnh mẽ. Tại Singapore nơi tôi đang sinh sống, có đến 60% các coach hoạt động trong doanh nghiệp, 40% coach làm việc với các cá nhân bên ngoài.

Đã làm trong lĩnh vực này 20 năm, điều gì khiến ông đam mê executive coaching đến thế?

Năm 2003, khi thành lập công ty của riêng mình, tôi có dừng lại một tháng để hỏi xem bản thân mình thực sự muốn gì. Khi đó, tôi nhận ra rằng, tôi không còn nhiều đam mê trong việc phát triển tổ chức ở mặt vĩ mô, mặt hệ thống. Điều tôi muốn là làm việc với từng cá nhân, từng người một. Tôi muốn có những tương tác trực tiếp, tôi được nhìn vào mắt họ và xem rằng chúng tôi có thể tạo ra những thay đổi nào cùng với nhau. Lãnh đạo là những người rất thông minh và họ thường mang đến những vấn đề phức tạp. Làm việc với họ không hề dễ dàng, nhiều thách thức nhưng cũng cực kỳ thú vị. Đó là những lý do mà tôi cảm thấy coaching đúng là nghề nghiệp dành cho mình.

Vậy theo ông, điểm khác biệt của executive coaching là gì?

Để hiểu bản chất của executive coaching, có hai sự so sánh phân biệt mà tôi muốn làm rõ.

Thứ nhất là sự khác nhau giữa executive coaching và life coaching. Ở góc độ cơ bản nhất, executive coaching là chương trình coaching dành cho các lãnh đạo cấp cao trong môi trường doanh nghiệp, còn life coaching là chương trình cho các cá nhân bên ngoài với đa dạng nhiều nhóm. Điểm khác nhau nền tảng nhất của hai nhóm này là người quyết định agenda của chương trình coaching. Với life coaching, khách hàng sẽ là người đưa ra quyết định. Ví dụ, họ đang có mục tiêu thay đổi sự nghiệp, cải thiện quan hệ với chồng con, quản lý tài chính,… và người coach sẽ bám theo những mục tiêu mà chính khách hàng tự xác định. Còn với executive coaching, người quyết định agenda của chương trình sẽ là doanh nghiệp, là người chi trả chi phí cho dịch vụ coach. Sau cùng, chương trình executive coaching hướng đến mục tiêu phát triển tổ chức.

Thứ hai là sự khác nhau giữa executive coaching và leadership coaching. Dịch vụ executive coaching là dịch vụ dành riêng cho lãnh đạo cao cấp, những người nằm trong nhóm C-suite của doanh nghiệp. Nội dung coaching do doanh nghiệp định hướng, có thể liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, phát triển đội nhóm, xây dựng lộ trình phát triển bản thân, chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo kế cận,... Còn với leadership coaching, đây là dịch vụ coaching tập trung riêng biệt vào phát triển kỹ năng lãnh đạo, có thể dành cho cả nhóm lãnh đạo cao cấp và các cấp quản lý phía dưới.

Tìm hiểu kỹ hơn thông tin tại sự kiện Leadership & Executive Coaching

Đặt trong chỉnh thể văn hoá doanh nghiệp, executive coach có vai trò như thế nào?

Executive Coaching là một trong ba trụ cột trong việc xây dựng văn hoá coaching trong doanh nghiệp, bao gồm:

  • Executive Coaching: Coach cho các lãnh đạo cao cấp

  • Internal Coach: Đào tạo và sử dụng đội ngũ coach nội bộ

  • Manager As Coach: Quản lý lãnh đạo sử dụng kỹ năng coaching trong công việc của mình.

Đầu tiên, bạn cần thuê các coach bên ngoài để coach cho lãnh đạo của mình (executive coaching). Một sự thay đổi nhỏ của người lãnh đạo cũng có thể tạo nên nhiều chuyển biến cho tổ chức. Cùng lúc, bạn cần đào tạo một nhóm coach nội bộ (internal coach) để coach cho đa dạng các nhóm nhân viên trong công ty. Coach nội bộ là một trong những xu hướng sẽ phát triển mạnh mẽ nhất trong thời gian tới. Và cuối cùng là nhóm những quản lý lãnh đạo sử dụng coaching trong công việc của mình. Họ không phải là những người coach chuyên nghiệp, nhưng họ biết cách đưa coaching vào những cuộc hội thoại hàng ngày, vào cách thức giao tiếp, làm việc và trao quyền với nhân viên. Phải có đủ ba trụ cột này, doanh nghiệp mới có thể xây dựng được văn hoá coaching một cách bền vững trong tổ chức.

Nghiên cứu của ICF (2014) cũng đã chỉ ra rằng, 65% nhân viên của những doanh nghiệp có văn hoá coaching mạnh mẽ có mức độ gắn kết cao, 60% doanh nghiệp có văn hoá coaching đạt kết quả tài chính cao hơn mức họ đã đề ra.

Làm thế nào để đánh giá hiệu quả của một chương trình Executive Coaching?

Tôi từng làm việc tại ICF Singapore. Mỗi năm, chúng tôi đều kiểm duyệt tất cả những bài báo, bài nghiên cứu liên quan đến coaching. Khoảng 3 năm trước, mọi người quan tâm rất nhiều về chỉ số ROI (tỷ suất hoàn vốn) của một dự án coaching. Họ đã đầu tư bao nhiêu, và họ đã thu về bao nhiêu từ sự đầu tư đó. Thế nhưng một năm trở lại đây, tôi quan sát thấy mọi người bắt đầu không nói về ROI nữa. Tôi từng trao đổi với một vài doanh nghiệp ứng dụng coaching và hỏi họ về việc đo lường ROI. Họ nói với tôi rằng, họ đã từ bỏ việc đo lường ROI vì vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí, vừa khó thực hiện, và cũng không phản ánh chân thực hiệu quả thực tế.

Tôi cho rằng, để đo lường hiệu quả của một chương trình coaching, chúng ta cần quay trở lại mục tiêu của doanh nghiệp khi họ mong muốn triển khai coaching. Nếu họ đạt được mục tiêu họ đề ra, tức là chương trình đó đã thành công. Các câu chuyện chuyển hoá của những lãnh đạo được coach cũng là một yếu tố đo lường khác. Một người lãnh đạo vốn rất khó làm việc cùng, sau 6 tháng coaching, anh ấy trở nên hoà đồng hơn, phối hợp đội nhóm tốt hơn,… Đó chính là những bằng chứng sống cho hiệu quả của chương trình coach.

Với một doanh nghiệp muốn sử dụng dịch vụ Executive Coaching, họ nên làm như thế nào để tìm ra một người coach phù hợp?

Trước đây tôi từng nghĩ rằng, sự giống nhau giữa coach và coachee là quan trọng, người hướng nội sẽ hợp để coach người hướng nội, người từng làm trong lĩnh vực công nghệ sẽ làm việc hiệu quả hơn lãnh đạo một công ty công nghệ… Thế nhưng đến thời điểm này, tôi cho rằng những yếu tố này không còn quan trọng đến thế. Sự đối lập trong tính cách cũng có thể tạo nên những phát hiện mới mẻ cho cả hai. Và với executive coaching, tôi thấy vấn đề cốt lõi sau cùng vẫn là về kỹ năng làm việc hiệu quả với con người, vì vậy yếu tố chuyên môn từng ngành (như công nghệ, giáo dục, y tế…) cũng không quá quan trọng.

Có ba điều mà tôi có thể gợi ý cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các executive coach cho doanh nghiệp của mình.

Trước tiên, executive coach cần là người hiểu về thế giới doanh nghiệp và tốt nhất là nên có kinh nghiệm quản lý lãnh đạo. Executive coach là người sẽ làm việc trực tiếp với các lãnh đạo cấp cao - thường là những người rất tài giỏi, dạn dày kinh nghiệm, cực kỳ thông minh… Vì vậy, để làm việc hiệu quả với họ, executive coach cần có bản lĩnh nghề nghiệp cao và hiểu về lĩnh vực quản trị doanh nghiệp.

Thứ hai, để tìm được executive coach phù hợp, bạn có thể tham khảo đề xuất của các doanh nghiệp khác - những bên đã sử dụng và hài lòng với chương trình executive coach của họ. Bạn cũng có thể liên hệ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ coaching hàng đầu tại thị trường, cung cấp thông tin về doanh nghiệp bạn, và nhờ họ gợi ý những executive coach phù hợp nhất trên thị trường. Sau khi đã có một vài sự lựa chọn, bạn cần tiến hành các buổi gặp mặt trực tiếp với từng coach để xem xét độ phù hợp.

Thứ ba, sự thành công của một chương trình executive coaching phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ giữa người coach và coachee. Yếu tố “chemistry" (sự kết nối về cảm xúc) giữa coach và coachee là rất quan trọng. Có những người coach rất giỏi và giàu kinh nghiệm, nhưng lại không mang lại cảm giác an toàn cho coachee - lãnh đạo doanh nghiệp bạn, vậy thì hai bên cũng khó để làm việc hiệu quả với nhau. Những buổi gặp gỡ trực tiếp giữa coach và coachee trước khi chương trình bắt đầu là điều cần thiết.

Giữa ba đối tượng: người cung cấp dịch vụ coach, lãnh đạo được coach, và doanh nghiệp tài trợ dịch vụ coach, họ cần có những thoả thuận gì với nhau?

Như đã chia sẻ từ trước, executive coaching không phải một chương trình coaching cá nhân giữa người coach và coachee, mà luôn có sự tham gia của tổ chức. Một chương trình Executive Coaching cần có sự tham gia của ít nhất 3 đối tượng:

  • Executive Coach: Người cung cấp dịch vụ coaching


  • Lãnh đạo - Coachee: Người được coach 


  • Đại diện doanh nghiệp (Cấp trên, chủ tịch, HR…): Người chi trả cho dịch vụ coaching

Trong suốt chương trình coaching, đương nhiên, những thông tin coachee (người lãnh đạo) chia sẻ với coach sẽ hoàn toàn được bảo mật theo nguyên tắc nghề nghiệp. Tuy nhiên, tại đầu chương trình, ba bên cần có những thoả thuận rõ ràng về những mục tiêu mà coach sẽ làm việc cùng coachee, những thông tin mà coach có thể chia sẻ và không thể chia sẻ với đại diện doanh nghiệp (cấp trên của người được coach, Giám đốc Nhân sự,...). Tất cả những sự đồng thuận này cần được ghi lại bằng văn bản rõ ràng, tránh những xung đột lợi ích sau này. Ở giữa chương trình coaching, coach cũng có thể có cuộc họp riêng với đại diện doanh nghiệp để trao đổi về những thay đổi mà tổ chức đã quan sát được từ những lãnh đạo được coach, nhìn nhận lại những mục tiêu đặt ra từ đầu chương trình.

Cảm ơn Coach Hermann Ditzig về những chia sẻ hữu ích!

Phỏng vấn và biên tập: Trang Đinh


bottom of page