Hội đồng Kèm cặp và Khai vấn Châu Âu EMCC đề xuất rằng sau mỗi 35 giờ thực hành coaching, các coach nên có một giờ làm việc với supervisor (người giám sát). Hiệp hội Khai vấn AC gợi ý rằng, các coach mới bắt đầu sự nghiệp nên có một giờ supervision (giám sát) sau mỗi 15 giờ thực hành coaching. Liên đoàn Khai vấn Quốc tế ICF công nhận supervision là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển, học hỏi, trưởng thành cả về chuyên môn và lộ trình phát triển nghề coach chuyên nghiệp.
Như vậy, các tổ chức khai vấn lớn nhất trên thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các coach nên có người supervisor trên hành trình phát triển sự nghiệp của mình. Vậy, supervision là gì, supervision có thể mang lại những lợi ích gì cho người coach. Trong bài viết dưới đây, Coach For Life sẽ chia sẻ cùng bạn những thông tin cần biết về coaching supervision.
Mục lục
1, Coaching Supervision là gì?
Theo ICF, coaching supervison là một hình thức học tập, hợp tác nhằm liên tục nâng cao năng lực của người coach thông qua các cuộc hội thoại có tính chiêm nghiệm, đánh giá nhằm hướng tới lợi ích của cả người coach và khách hàng của họ.
Với sự hỗ trợ đa dạng và chuyên sâu, coaching supervision tập trung vào việc phát triển năng lực của người coach ở một mức độ sâu sắc và thực tế. Coaching supervision tạo ra một môi trường an toàn để người coach chia sẻ những thành công và thất bại trong quá trình họ làm việc với khách hàng, những tình huống khó xử lý mà họ muốn tham khảo ý kiến của người supervisor.
Hiệp hội Khai vấn AC đưa ra định nghĩa về coaching supervision là: “khoảng thời gian chính thức và được bảo vệ để tạo điều kiện cho người coach chiêm nghiệm, quan sát sâu sắc về quá trình thực hành coaching, và chia sẻ những quan sát này với một supervisor giàu kinh nghiệm. Mục đích chính là giúp người coach nâng cao năng lực, sự tự tin, sự sáng tạo và đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình”.
Như vậy, có thể tóm gọn coaching supervision như sau:
Là những cuộc hội thoại mang tính chiêm nghiệm cao của người coach với supervisor của mình về quá trình thực hành nghề coach của mình.
Mục đích của coaching supervision là giúp người coach nâng cao năng lực, sự tự tin, rút kinh nghiệm từ những tình huống thực tế, và đảm bảo cung cấp dịch vụ coaching tốt nhất cho khách hàng của người coach.
Ví dụ, A là một executive coach vừa có 6 tháng kinh nghiệm. Trong quá trình coach cho các lãnh đạo cấp điều hành của tổ chức X, một lãnh đạo chia sẻ nhiều điều tiêu cực về chủ tịch công ty, và thể hiện mong muốn sẽ rời khỏi tổ chức. Điều này nằm ngoài lộ trình ban đầu mà A đã thống nhất với tổ chức X. Trong khi đó, chủ tịch của công ty X lại là người có mối quan hệ rất tốt với A. A không biết mình nên xử lý tình huống này như thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi của coachee, vừa thực hiện đúng cam kết với doanh nghiệp X, mà không phá vỡ nguyên tắc bảo mật thông tin của coaching. A quyết định mang vấn đề này để thảo luận với người supervisor của mình trong buổi gặp mặt hàng tháng để cùng tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
2, Supervision & Mentor - Khác nhau như thế nào với người coach?
Với các coach chuyên nghiệp, chắc hẳn chúng ta đều quen thuộc với khái niệm “Mentor Coaching". Nếu như bạn đang theo đuổi sự nghiệp coach chuyên nghiệp và mong muốn đạt được những chứng chỉ quốc tế như ACC, PCC, bạn bắt buộc phải có một số lượng giờ nhất định được mentor bởi những coach giàu kinh nghiệm hơn mình. Mục đích của các buổi mentor là hỗ trợ các coach trong việc phát triển các năng lực cốt lõi trong nghề coach (Ví dụ như bộ 8 năng lực cốt lõi của ICF).
Còn với coaching supervision, đây là hình thức hỗ trợ liên tục và sâu sắc hơn, phù hợp với các coach ở mọi cấp bậc kinh nghiệm. Coaching supervision cũng không chỉ tập trung vào bộ năng lực cốt lõi, mà là những cuộc trao đổi mang tính chiêm nghiệm và phân tích sâu vào quá trình làm việc của người coach với từng khách hàng. Người supervisor cũng hỗ trợ người coach trong các vấn đề tâm lý như mất sự tự tin, mất động lực làm việc, nghi ngờ năng lực bản thân, cảm thấy mình đang chững lại,...
Mặc dù chưa phải là yêu cầu bắt buộc của các tổ chức khai vấn quốc tế trong việc đạt được các chứng chỉ chuyên nghiệp, coaching supervision là hình thức hỗ trợ liên tục, đồng hành sâu sắc cùng người coach trong đa dạng các vấn đề mà họ đối mặt trên hành trình làm coach chuyên nghiệp của mình.
3, Tại sao coach chuyên nghiệp nên có supervisor?
Theo ICF, coaching supervision có thể bao gồm những công việc sau:
Thúc đẩy quá trình phát triển của người coach thông qua việc phân tích, chiêm nghiệm quá trình thực hành coaching thực tế
Khám phá những “điểm mù” trong quá trình coaching và phát triển nghề mà người coach có thể bỏ lỡ
Xem xét các thoả thuận coaching và các vấn đề đạo đức
Đảm bảo người coach đang đi đúng với lộ trình và định hướng phát triển của mình
Xem xét tất cả các khía cạnh trong môi trường và mối quan hệ giữa coach và khách hàng để tìm kiếm các cơ hội phát triển, các cách xử lý hiệu quả hơn.
Theo tài liệu “The Manifesto for Supervision” do Hawkins, Turner và Passmore xây dựng năm 2019, coaching sẽ hỗ trợ người coach ở 3 khía cạnh sau:
Nâng cao chất lượng: Supervision tập trung giúp người coach nâng cao chất lượng công việc mà người coach đang thực hiện với khách hàng của họ, kể cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Hỗ trợ quá trình phát triển của người coach: Supervision hỗ trợ người coach trong sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp, nâng cao năng lực coaching, liên tục thu hoạch những bài học mới từ những thử thách mà họ gặp phải.
Gia tăng nội lực: Supervision giúp người coach phát triển nội lực và sử dụng nội lực đó trong quá trình làm việc với khách hàng. Đồng người, người supervisor cũng hỗ trợ người coach nâng cao sức bền, khả năng phục hồi và tính linh hoạt của người coach.
Đọc thêm: 5 mô hình coaching
Tạm kết
Coaching supervision vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam. Thế nhưng, với bất kỳ ai mong muốn phát triển sâu với sự nghiệp coaching, muốn có một sự hỗ trợ sâu sắc để liên tục nâng cao năng lực và có những bước tiến vững vàng trên sự nghiệp này, coaching supervision là điều bạn nên quan tâm càng sớm càng tốt. Trên thực tế, ngay cả các coach chuyên nghiệp thế giới vẫn luôn có người supervisor của riêng mình. Quá trình làm việc với khách hàng có thể phát sinh rất nhiều tình huống khó xử, hành trình theo đuổi sự nghiệp làm coach cũng sẽ có nhiều chông chênh, thế nhưng, bạn không nhất thiết phải một mình đối mặt với tất cả những vấn đề này. Một người supervisor được đào tạo chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và có sự kết nối thấu hiểu với bạn sẽ đem đến rất nhiều sự đồng hành, hỗ trợ mà bạn không ngờ tới.
Komentar