Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều cần có văn hoá chung cốt lõi để gắn kết mọi người lại với nhau. Những giá trị cốt lõi đó sẽ được duy trì xuyên suốt trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, có những thời điểm doanh nghiệp cần phải có sự điều chỉnh về tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, về văn hoá doanh nghiệp để phù hợp với xu thế đang diễn ra.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi như hiện nay, sự linh hoạt và khả năng thích ứng với những biến động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Đứng trước tình hình đó, văn hoá coaching nổi lên như là một công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp có thể ứng phó với những khó khăn, thách thức, giải quyết được bài toán doanh thu, lợi nhuận và gia tăng sự hài lòng, gắn kết của nhân viên.
Tại sao văn hoá coaching lại là lựa chọn hàng đầu cho quyết định thay đổi đó?
Mục lục:
Xu hướng văn hoá coaching trong những năm gần đây
Phong cách lãnh đạo “chỉ huy và kiểm soát” không còn phù hợp
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, phong cách lãnh đạo “chỉ huy và kiểm soát” trở nên khá phổ biến. Đa số các doanh nghiệp đều tuân theo một phong cách lãnh đạo cứng nhắc, phân cấp, nơi mà các lãnh đạo ra lệnh, thực thi các chính sách thiếu linh hoạt và ít lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhân viên. Điều này có thể đảm bảo rằng tất cả thành viên trong công ty đều cống hiến cho cùng một mục tiêu nhưng lại hạn chế quyền tự chủ của nhân viên.
Phong cách lãnh đạo này có thể đã phát huy tác dụng trong quá khứ, nhưng nó đang dần biến mất và các doanh nghiệp nếu không nhanh chóng điều chỉnh có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài. Bởi nó không thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên, sự phát triển của cá nhân và không ghi nhận xứng đáng những đóng góp của họ. Người lao động ngày nay luôn sẵn sàng tìm một công việc mới, nơi họ có quyền tự chủ, được tôn trọng và có ý thức về mục đích cũng như quyền sở hữu hơn.
Tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới kinh doanh hiện đại đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh liên tục để đáp ứng nhu cầu thay đổi. Phong cách lãnh đạo “chỉ huy và kiểm soát” sẽ không còn phù hợp nữa. Về lâu dài, một phong cách lãnh đạo linh hoạt hơn là cần thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Sự thay thế của văn hoá coaching
Viện nghiên cứu Nguồn nhân lực (HCI) và Liên đoàn Coaching Quốc tế (ICF) đã thực hiện một nghiên cứu vào năm 2016 về tác động của văn hóa coaching đối với lợi nhuận của một doanh nghiệp. Kết quả cho thấy hiệu suất, sự gắn kết và năng suất của các nhóm nhân viên tăng lên ở các doanh nghiệp có triển khai văn hóa coaching. Các doanh nghiệp này cũng có doanh thu cao hơn so với các doanh nghiệp khác cùng ngành.
Trong một nghiên cứu khác của Gallup (một công ty tư vấn và phân tích doanh nghiệp, trụ sở tại Mỹ) thực hiện năm 2020 về mức độ tương tác của nhân viên, họ nhận thấy rằng việc triển khai văn hoá coaching trong doanh nghiệp đã thúc đẩy sự tương tác giữa lãnh đạo và nhân viên. Các nhà lãnh đạo biết cách xác định điểm mạnh của các thành viên trong nhóm, sử dụng và phát huy nó để đạt được hiệu quả cao hơn trong kinh doanh.
Văn hoá coaching đang ngày càng trở nên vô cùng quan trọng. Nó giúp các lãnh đạo biết cách lắng nghe, giao tiếp, biết xây dựng lòng tin, phát triển và đồng hành cùng nhân viên vì mục tiêu chung của doanh nghiệp. Nhân viên được tạo điều kiện để phát triển năng lực, phát huy tính tự chủ và được ghi nhận xứng đáng những đóng góp của mình. Các sáng kiến coaching đã tạo được chỗ đứng và được triển khai rộng rãi.
Theo một cuộc khảo sát toàn cầu năm 2020 được thực hiện bởi Liên đoàn coaching quốc tế (ICF), ước tính có khoảng 71.000 người tham gia coaching vào năm 2019, tăng 33% so với năm 2015. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng và tầm quan trọng của coaching đang được các doanh nghiệp nhận thức rất rõ ràng.
Văn hoá coaching - chìa khoá của các doanh nghiệp trong giai đoạn “bình thường mới”
Không ai có thể phủ nhận rằng năm 2020 là một năm đầy thử thách. Ngoài những hậu quả của Covid-19 đối với sức khỏe toàn cầu, cấu trúc xã hội và nền kinh tế thế giới đã phải chịu một đòn giáng nặng nề. Hàng nghìn người đã mất việc làm và hàng nghìn người khác đang lo sợ vì đại dịch tiếp tục buộc mọi người phải suy nghĩ lại về cách chúng ta sống và làm việc để phù hợp với thế giới “mới”. Các điều kiện của “bình thường mới” đã phá vỡ những quy tắc xưa cũ. Cách thức làm việc, lãnh đạo và quản lý cũ không còn phù hợp nữa.
Các doanh nghiệp phải điều chỉnh liên tục các trạng thái hoạt động kinh doanh, các kế hoạch thường xuyên bị thay đổi, độ chính xác của những dự báo cho tương lai xa không còn cao nữa. Sự thay đổi chưa bao giờ trở nên mãnh liệt và cấp thiết như thế. Trong bối cảnh này, văn hoá coaching thực sự phát huy được những điểm mạnh của nó, là chìa khoá để các doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn và đặt nền móng cho sự phát triển tiếp tục trong tương lai. Trayton Vance, CEO và là nhà sáng lập của Coaching Focus có nói: “Nếu bạn muốn thích nghi, chuyển đổi qua đại dịch và xa hơn thế nữa, hãy làm điều đó ngay bây giờ”.
Tầm quan trọng của văn hoá coaching với doanh nghiệp
Tăng tính gắn kết của nhân viên, từ đó nâng cao hiệu suất công việc
Văn hoá coaching ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình qua những lợi ích mà nó mang lại cho các cá nhân và doanh nghiệp. Văn hoá coaching giúp tăng cường sự gắn kết của nhân viên, tăng tính tự chủ, trao quyền, khuyến khích sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp, ghi nhận những đóng góp và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người.
Năm 2017, Gallup đã thực hiện một dự án nghiên cứu về các doanh nghiệp đưa văn hoá coaching vào quy trình quản lý. Phần lớn đã chứng minh được mức tăng hiệu suất như sau:
Doanh số bán hàng tăng 10% đến 19%
Lợi nhuận tăng 14% đến 29%
Mức độ tương tác của khách hàng tăng từ 3% đến 7%
Mức độ gắn kết của nhân viên tăng 9% đến 15%
Khi một doanh nghiệp có sự cam kết trong triển khai văn hoá coaching và có sự nghiêm túc trong đầu tư các nguồn lực phù hợp, những con số này sẽ có khả năng tăng cao hơn nữa.
Văn hoá coaching giúp tăng cường sự kết nối giữa lãnh đạo và nhân viên. Khi các nhà lãnh đạo và nhân viên có những cuộc trò chuyện chất lượng và thường xuyên hơn, dần dần sẽ có sự thấu hiểu lẫn nhau và do đó gắn bó hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và tỷ lệ giữ chân nhân viên. Nhân viên sẽ cảm nhận được sự cởi mở, sự lắng nghe ở môi trường họ làm việc, giúp họ tăng khả năng sáng tạo, đổi mới và đưa ra quyết định tốt hơn. Văn hóa coaching tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi các kỹ năng mới và trở thành tài sản lớn cho công ty.
Xây dựng lòng tin trong doanh nghiệp
Mặc dù việc xây dựng văn hóa coaching đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và nguồn lực, nhưng kết quả mà nó mang lại sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và củng cố nền tảng của các mối quan hệ, đó chính là lòng tin.
Xây dựng văn hóa coaching đồng nghĩa với việc giảm khoảng cách quyền lực giữa lãnh đạo và nhân viên. Cả lãnh đạo và nhân viên đều cần có sự rõ ràng, minh bạch trong việc chia sẻ những câu chuyện của mình trong công việc, đồng thời chấp nhận và ghi nhận tích cực những phản hồi để cải thiện tốt hơn.
An toàn tâm lý dễ dàng đạt được thông qua văn hóa coaching. Nếu văn hóa của một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sự đối thoại và phản hồi chân thành, liên tục luân chuyển, bất kể cấp độ nào, thì nhân viên chắc chắn sẽ cảm thấy được đánh giá cao hơn, được trao quyền, được lắng nghe và được tôn trọng. Lòng tin cũng từ đó gia tăng và phát huy tối đa hiệu quả của nó.
Thúc đẩy sự thay đổi của các nhà lãnh đạo
Nếu một doanh nghiệp muốn triển khai văn hóa coaching thì trước hết phải bắt đầu từ lãnh đạo. Lãnh đạo cấp cao phải là người đi tiên phong trong việc khuyến khích, tạo động lực và đồng hành cùng nhân viên trong công việc. Họ cần nhận thức được sự cần thiết trong việc thay đổi phong cách lãnh đạo xưa cũ, biết xây dựng lòng tin, biết lắng nghe và giao tiếp để thấu hiểu nhân viên.
Văn hoá coaching chú trọng vào khả năng các nhà lãnh đạo đưa ra những câu hỏi phù hợp, khuyến khích nhân viên tự tìm ra câu trả lời cho các vấn đề, giúp họ thực sự hiểu rõ điều gì là quan trọng nhất, trao quyền cho nhân viên để họ đưa ra lựa chọn và quyết định của mình.
Có một quan niệm sai lầm rằng một cuộc trò chuyện coaching sẽ mất hàng giờ đồng hồ để lãnh đạo có thể lắng nghe từng thành viên trong nhóm và giải quyết mọi vấn đề của họ lên. Nhưng trên thực tế một cuộc trò chuyện coaching hiệu quả cao có thể chỉ kéo dài 15 phút hoặc thậm chí ít hơn. Các nhà lãnh đạo thường xuyên có các cuộc trò chuyện coaching với nhân viên đều nhận thấy rằng họ được giải phóng khỏi những công việc tiểu tiết. Họ không cần phải cập nhật quá chi tiết mọi thứ vì nhân viên của họ đều thực sự làm chủ công việc của mình. Nó giúp giải phóng thời gian của các nhà lãnh đạo để tập trung vào những gì có giá trị nhất.
Nghiên cứu của Bersin & Associates về Quản trị hiệu suất (2011) cho thấy các doanh nghiệp trang bị kỹ năng coaching cho cấp lãnh đạo có thể mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn 130% và nhân viên có kết quả tốt hơn 38% theo thống kê về mức độ tương tác, năng suất và dịch vụ khách hàng. Nghiên cứu cũng cho thấy việc triển khai văn hoá coaching đóng vai trò quan trọng để duy trì lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh kinh doanh luôn thay đổi hiện nay. Đây là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để nâng cao các giá trị của công ty, tăng cường sự gắn kết và năng suất của nhân viên, xây dựng các mối quan hệ đích thực và giữ chân nhân tài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Rober Razer, (2019), 'Command and Control' Leadership Is Dead. Here's What's Taking Its Place. www.inc.com
Tom Renehan, (2021), ‘Ask ACE: Why is coaching culture important?’. www.mainebiz.biz
Chris Morgan, (2018), ‘5 big reasons you need a coaching culture’. www.linked.com
Coaching Focus (2021), ‘Why is a coaching culture needed – and why now?’. www.blog.coaching-focus.com
Austin Baker (2019), ‘Why you should develop a coaching culture within your organization?’, www.hrprofessionalsmagazine.com
Commentaires